Quảng Nam khai mạc Kỳ họp thứ 7 HĐND khóa IX: Nhiều đề xuất liên quan đến công tác nhân sự In
Viết bởi Datquang   
Thứ năm, 19 Tháng 7 2018 03:58

Sáng 17-7, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX khai mạc Kỳ họp thứ 7 dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cùng các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng và Nguyễn Hoàng Minh.




Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang (thứ hai, từ trái qua)  và  Chủ tịch HĐQT Tập Đoàn Đất Quảng Ông Nguyễn Viết Dũng (thứ hai, từ phải qua)

cùng các đại biểu bên lề kỳ họp.

100% địa phương đã xây dựng đề án tinh giản biên chế

Trong ngày làm việc đầu tiên, nhiều dự thảo, đề xuất liên quan đến công tác tổ chức cán bộ được các đại biểu (ĐB) đưa ra thảo luận, xem xét. Theo đề án tinh giản biên chế 2018-2021 đo ông Nguyễn Hữu Sáng- Giám đốc Sở Nội vụ trình bày, năm 2018 biên chế công chức giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh là 3.344, thấp hơn 96 biên chế so với chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao năm 2018; năm 2019 giảm 309 biên chế; năm 2020 giảm 355 biên chế và đến năm 2021 giảm 410 biên chế, tức là còn 3.199 biên chế công chức. Theo ông Sáng: “Bộ máy làm việc lâu nay hiệu quả hoạt động chưa cao (Sở NN & PTNT có 7 chi cục, Sở TN-MT 3 chi cục, Sở Y tế có 2 chi cục,…) và cơ cấu tổ chức với nhiều tầng nấc trung gian (sở có phòng và chi cục; trong chi cục có phòng, hạt, trạm, đội; trong cùng một sở nhưng có những phòng với nhiệm vụ mang tính tương đồng, hỗ trợ, chưa liên thông, còn cắt khúc (văn phòng, phòng kế hoạch tài chính, phòng tổ chức cán bộ...). Điều này dẫn đến chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh tổ chức chưa hợp lý do nhiều sở ngành cùng thực hiện (như quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chịu sự quản lý của 4 sở, ngành: nông nghiệp, công thương, khoa học công nghệ, y tế...).

Đề án cũng đề xuất: các đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế công chức, viên chức được giao phải xem xét, cắt giảm phù hợp; không tăng biên chế và có lộ trình giảm dần biên chế viên chức đã giao đối với các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên; chỉ tuyển dụng số công chức, viên chức mới không quá 50% số đã thực hiện tinh giản; tuyển dụng, sắp xếp, bố trí, đào tạo lại hoặc tinh giản để biên chế nhóm vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 65%; các chức danh kế toán, y tế học đường, văn thư, thủ quỹ, văn thư, hành chính, lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ… trong các đơn vị sự nghiệp công lập phải xem xét, cân nhắc kỹ…

Tiếp tục hỗ trợ cán bộ không chuyên trách cấp xã

Trong kỳ họp thứ 6 HĐND khóa IX cuối năm 2017, Quảng Nam đã quyết định từ ngày 1-1-2018 tạm dừng việc chi trả mức phụ cấp các chức danh cán bộ không chuyên trách cấp xã vượt quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP. Sau khi tạm dừng việc chi trả, nhiều khó khăn liên quan đến hoạt động cấp xã xảy ra do nhiều cán bộ không chuyên trách xin nghỉ việc, hoặc dao động tư tưởng và thực tế đã có hơn 150 trường hợp xin thôi việc, ảnh hưởng lớn đến hoạt động tại địa phương. Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã có công văn gửi các Bộ Tài chính, Nội vụ, TB&XH xin ý kiến về việc hỗ trợ tăng thêm đối với các đối tượng trên. Trên cơ sở phản hồi từ các Bộ nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã trình HĐND tiếp tục thực hiện hỗ trợ tăng thêm đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã với tổng kinh phí thực hiện trong năm 2018 là hơn 27 tỷ đồng.

Hỗ trợ cán bộ miền núi làm việc tại TP Tam Kỳ

Cũng tại ngày họp thứ nhất, đề án chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) là người dân tộc thiểu số (DTTS) có hộ khẩu gia đình ở các xã miền núi tỉnh Quảng Nam được điều động, tiếp nhận, tuyển dụng vào công tác tại cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn TP Tam Kỳ và do các sở, ngành, địa phương kết nghĩa nhận bồi dưỡng nâng cao năng lực (giai đoạn 2018-2021) đã được thảo luận. Theo đó, đề xuất mục tiêu cụ thể đến năm 2021: Đối với CB,CC,VC là người DTTS công tác tại cơ quan, đơn vị tỉnh đóng trên địa bàn TP Tam Kỳ- Hỗ trợ mua đất làm nhà ở cho 37 người và hỗ trợ kinh phí ban đầu cho 4 người;  Đối với CC,VC là người DTTS (kể cả hợp đồng trong chỉ tiêu) gửi đi bồi dưỡng nâng cao năng lực tại cơ quan, đơn vị tỉnh và địa phương kết nghĩa giai đoạn 2018-2021- hỗ trợ 37 người.

Hà Dung

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam  Nguyễn Ngọc Quang cho biết trong 6 tháng đầu năm, kinh tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất các ngành kinh tế đều tăng; mặt bằng lãi suất ổn định, tín dụng tăng trưởng tốt làm cho tổng vốn đầu tư xã hội tăng cao (tăng hơn 30,5% so với cùng kỳ); kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư hoàn chỉnh, nhất là hạ tầng giao thông. Một số sản phẩm công nghiệp, du lịch mới tiêu biểu đi vào hoạt động như ô-tô Mazda, khu vui chơi nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Nam Hội An... Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 3 bậc, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố và thuộc nhóm tốt của cả nước.


Share this post


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: